Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm sau mống mắt bên. Đây là thành phần quan trọng của hệ thống quang học mắt, cho ánh sáng đi qua, hội tụ, tập trung các tia sáng vào võng mạc để tạo thành hình ảnh sắc nét rõ ràng, như thấu kính của máy ảnh tập trung hình ảnh vào phim, giúp ta nhìn rõ mọi sự vật. Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính hội tụ với công suất khoảng 20D nằm sau mống mắt và tham gia vào quá trình điều tiết của mắt.
Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm sau mống mắt bên. Đây là thành phần quan trọng của hệ thống quang học mắt, cho ánh sáng đi qua, hội tụ, tập trung các tia sáng vào võng mạc để tạo thành hình ảnh sắc nét rõ ràng, như thấu kính của máy ảnh tập trung hình ảnh vào phim, giúp ta nhìn rõ mọi sự vật. Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính hội tụ với công suất khoảng 20D nằm sau mống mắt và tham gia vào quá trình điều tiết của mắt.
Khi thủy tinh thể mất đi tính trong suốt gọi là bệnh đục thủy tinh thể, dân gian hay gọi là cườm khô. Khi thuỷ tinh thể bị đục do nhiều nguyên nhân khác nhau, thủy tinh thể không còn trong suốt mà giống như một tấm kính bị mờ, tùy theo mức độ nhiều hay ít mà thị lực của người bệnh sẽ giảm đi tương đương, thậm chí tới mức mù loà hoàn toàn. Sự mờ đục này ngăn cản tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa.
Các dạng đục thuỷ tinh thể:
Đục nhân:
Chất đặc trong lõi thủy tinh thể bị xơ hóa và từ từ cứng lại, thay đổi độ hội tụ của mắt. Đôi khi trong một thời gian ngắn có thể làm cải thiện thị lực gần, nhiều người tạm thời khỏi đeo kính khi đọc sách. Nhưng sau đó nhân thủy tinh thể tiếp tục bị đục nhiều hơn, ố thành màu vàng, xanh rồi nâu. Bệnh nhân khó phân biệt hình ảnh khi thiếu sáng.
Đục vỏ
Bắt đầu như một vệt trắng, vết đục ăn lan theo lớp vỏ bọc thủy tinh thể từ ngoài rìa vào trung tâm và gây rối loạn cho ánh sáng đi qua thủy tinh thể. Thị giác xa và gần đều bị giảm, đôi khi hình ảnh bị méo mó. Bệnh nhân hay bị chói mắt.
Đục dưới bao
Đám đục bắt đầu từ cực sau, dưới bao thủy tinh thể, thường nằm trên trục thị giác, chắn và làm tán xạ các tia sáng đi vào võng mạc. Bệnh nhân đọc sách không rõ chữ, hay bị chói khi ra nắng, thấy rõ hơn khi vào trong bóng mát và buổi tối, hay thấy hào quang chung quanh những điểm sáng vào ban đêm.
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể
Nguyên nhân thường gặp nhất của đục thủy tinh thể là do tuổi tác. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) đục thủy tinh thể tuổi già chiếm 48% trong số các bệnh nhân mù trên toàn thế giới với khoảng 18 triệu người.
Những nguyên nhân khác gây đục thủy tinh thể bao gồm: tiếp xúc trong thời gian dài hoặc trong thời gian ngắn nhưng ở cường độ rất mạnh với tia cực tím, tia phóng xạ.
Các bệnh nội khoa như: Tiểu đường, cao huyết áp, dùng thuốc chứa corticosteroid dùng thời gian dài
Đục thủy tinh thể có thể xảy ra sau chấn thương mắt hoặc sau viêm màng bồ đào.
Đục thủy tinh thể bẩm sinh thường do di truyền hoặc do thai nhi nhiễm siêu vi khi còn trong bụng mẹ (thường do mẹ nhiễm Rubella và truyền cho thai nhi trong 3 tháng đầu thai kỳ).
Diễn tiến:
Khi bệnh mới bắt đầu, thị lực ít bị ảnh hưởng. Dần dần bệnh nhân nhìn mờ dần như nhìn qua màn sương mù, lúc đầu ở trung tâm, dần dần vùng mờ đục lan rộng che lấp hết và mất hẳn thị lực. Bệnh nhân nhìn mờ khi nhìn ra nắng hoặc ánh sáng chói, nhìn rõ khi ở trong tối.
Đối với người lớn tuổi bị lão thị, khi thủy tinh thể bắt đầu đục làm thay đổi khúc xạ, tạo cận thị, do vậy bệnh nhân bỗng nhiên thấy mình có thể đọc sách mà không cần kính. Nhưng tình trạng này không kéo dài, giai đoạn tiếp theo, thủy tinh thể tiến triển tiếp, đục nhiều, lúc đó bệnh nhân không thể nhìn rõ cả xa lẫn gần.